Các bàn luận về chủ đề giai tầng của các học giả trong nước (establishment) thường thống nhất với quan điểm của Nhà nước về giai tầng được ghi trong Hiến pháp. Trong các nghiên cứu của các học giả ngoài nước (independent/non-establishment), chủ đề chính được quan tâm là mối liên hệ của sự hình thành giai tầng (social class) và quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam. Cả hai cách tiếp cận đều có một số điểm hạn chế.
Trong nghiên cứu xã hội học trong nước, những đề tài về phân tầng, cấu trúc, tầng lớp xã hội không có nhiều nếu không muốn nói là hiếm hoi trong suốt những năm 1990 và 2000. Viện Xã hội học và Tạp chí Xã hội học ra đời năm 1983, nhưng theo quan sát của giáo sư Trịnh Duy Luân (2004) thì phải đến năm 1992 khái niệm phân tầng xã hội mới được sử dụng lần đầu tiên. Nghiên cứu của giáo sư Tương Lai năm 1993 dường như là nghiên cứu trong nước duy nhất mà tác giả đưa ra phân tích về bất bình đẳng thu nhập không với tư cách là một hệ quả không thể tránh khỏi và vô hại của kinh tế thị trường, mà là sự thách thức đối với nhà nước trong việc bảo đảm các mục tiêu công bằng xã hội. Ngoài nghiên cứu của giáo sư Tương Lai, nghiên cứu của tiến sỹ Đỗ Thiên Kính năm 2010 là nghiên cứu trong nước thứ hai về phân tầng xã hội sau Đổi mới. Nghiên cứu này có nhiều điểm giá trị, nhất là việc cho thấy rằng nghề nghiệp đã trở thành một chỉ báo xã hội học ý nghĩa cho nghiên cứu về các khác biệt xã hội. Tuy nhiên, nó có hai hạn chế lớn. Một là, tầng lớp xã hội mới chỉ được nhìn nhận như là một chỉ báo điều kiện sống chứ chưa được nhìn nhận như là một chỉ báo cơ hội sống. Nghiên cứu chỉ đưa ra những phân tích di động xã hội nội thế hệ (sự chuyển đổi nghề nghiệp của cá nhân trong vài năm) chứ không có những phân tích di động xã hội liên thế hệ (so sánh tương quan nghề nghiệp của cha mẹ và của con cái) cần thiết để phân tích bất bình đẳng về cơ hội sống. Hai là, người nghiên cứu đưa ra những lập luận thống nhất với quan điểm nhà nước về phân tầng xã hội hợp lý theo kiểu cấu trúc – chức năng (xem ngay dưới đây).
Vì sao vấn đề giai tầng không được quan tâm nghiên cứu ở trong nước? Tôi thử đề xuất ba vấn đề. Một là, có lẽ vì cứ nhắc đến giai cấp là người ta nghĩ ngay đến quan điểm Marxist về xung đột và đấu tranh giai cấp, về sự bóc lột của giai cấp thống trị đối với giai cấp bị trị. Trên thực tế, Đảng đã dựa trên quan điểm này để tập hợp nông dân chống lại các 'giai cấp bóc lột' bao gồm 'địa chủ' trong cuộc cải cách ruộng đất năm 1956. Nhưng khi cuộc cải cách này kết thúc, thì từ đó đến nay, trong Hiến pháp, cấu trúc xã hội của Việt Nam luôn được coi là bao gồm hai giai cấp công nhân – nông dân cùng một tầng lớp trí thức liên minh với nhau, mà không tồn tại các giai cấp đối chọi với nhau. Như thế, nhắc đến bất bình đẳng giai cấp là gợi lại những sai lầm của cải cách ruộng đất, cũng như mâu thuẫn với quan điểm của Nhà nước được ghi trong Hiến pháp.
Hai là, nghiên cứu theo dòng Marxist ở các xã hội hậu xã hội chủ nghĩa, như của Djilas (1957), coi người trong Đảng như là tập hợp thành một giai cấp mới. Giai cấp được gọi là tư bản đỏ này nắm quyền lực chính trị đối với nguyên liệu sản xuất và không khác gì giai cấp tư sản ở các nước tư bản, đối chọi với toàn bộ những người dân thường bị bóc lột. Những bình luận của ông Nguyến Kiến Giang (1995) hay Hayton (2010) về quan chức cấp cao ở Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới thống nhất với quan điểm của Djilas (1957). Tất nhiên, cách tiếp cận về giai cấp như thế bị coi là sai trái và nguy hiểm với sự ổn định xã hội, nhất là khi, theo bình luận của Abuza (2001), Đảng coi quyền lực chính thống của mình đồng nghĩa với sự ổn định chính trị và xã hội của đất nước.
Ba là, một số học giả nước ngoài như Gainsborough (2002) hay Heberer (2003) đi theo hướng tiếp cận là gắn giai tầng với thái độ và hành động chính trị. Cụ thể, họ muốn tìm hiểu vai trò của các giai tầng xã hội trong việc thúc đẩy quá trình dân chủ hóa. Theo họ, nếu các giai tầng được hình thành thì sẽ đem lại những biến chuyển xã hội và theo đó là những biến chuyển về mặt chính trị. Cách tiếp cận này tất nhiên cũng không thể được chấp nhận ở trong nước.
Vậy thì các học giả trong nước bàn về chủ đề giai tầng như thế nào? Từ các bài bình luận, tổng hợp của các tác giả ở các viện, học viện nghiên cứu (ví dụ như Nguyen KM 2007; Nguyen TTu 2007; Ngo NT 2012; Nguyen Dta 2010), có thể thấy nổi bật lên hai lập luận thường được sử dụng để hợp lý hóa quan điểm của Nhà nước về phân tầng xã hội và các khác biệt xã hội. Lập luận thứ nhất là, các vị trí cao - thấp trong xã hội là kết quả khách quan của sự khác biệt giữa các thành viên trong xã hội về khả năng bẩm sinh, sự cố gắng, và những đóng góp của họ. Người giỏi hơn, có ích hơn thì được hưởng lợi nhiều hơn và ngược lại. Lập luận thứ hai là, mỗi giai cấp hay mỗi tầng lớp bao gồm những người làm đủ mọi ngành nghề và ở các vị trí khác nhau, có người giàu, người nghèo, vì thế tựu chung lại các giai tầng này ngang bằng với nhau và không đối chọi. Ví dụ, theo Ngo NT (2012), giai cấp nông dân bao gồm cả các nông dân tỷ phú lẫn những người làm đồng thuê, hay theo Nguyen TT (2007), nhóm xã hội trung lưu thì là tập hợp của tất cả các thành phần ưu tú đến từ tất cả các giai cấp và tầng lớp trong xã hội.
Tuy lập luận mà các tác giả trong nước kể trên đưa ra ít được dựa trên cơ sở lý thuyết hay bằng cớ thực nghiệm, có thể thấy trong lập luận thứ nhất có dáng dấp của một số học thuyết như thuyết chức năng về phân tầng xã hội của Davis và Moore (1945), thuyết Darwin xã hội, thuyết giải thích di động xã hội dựa trên khác biệt về trí thông minh bẩm sinh (ví dụ như của Nettle 2003; Saunders 2012) hay thuyết cá nhân (Giddens 1991). Những thuyết này, vô tình hay hữu ý hợp lý hóa bất bình đẳng xã hội, hoặc là đã hoàn toàn lỗi thời, hoặc đã mất dần tầm ảnh hưởng trên thế giới (xem các bình luận của Collins 1971; Breen & Goldthorpe 2001; Savage & Egerton 1997; Sullivan et al. 2013; Nisbett et al. 2012; Savage 2000: 105). Lập luận thứ hai cũng hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Không thể lấy định nghĩa về giai cấp nông dân - công nhân mà nhà nước sử dụng làm công cụ ý thức hệ - chính trị làm công cụ phân tích, bởi các nhóm được gọi là công nhân hay nông dân này chỉ có thể coi là các nhóm đồng nhất về mặt lịch sử - chính trị cho trường hợp cụ thể của Việt Nam, chứ không thể coi là các nhóm đồng nhất về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội theo các lý thuyết khoa học về phân tầng xã hội.
Mối quan tâm chủ yếu của các học giả ngoài nước là vai trò của các tầng lớp xã hội trong việc thúc đẩy những biến chuyển xã hội. Phân tích của các học giả như Gainsborough (2002) theo cách tiếp cận ý thức giai cấp – hành động chính trị có những đóng góp quan trọng vào hiểu biết về xã hội Việt Nam sau Đổi mới. Tuy nhiên, cách tiếp cận này còn tồn tại một số điểm hạn chế. Thứ nhất, cách tiếp cận này không khỏi bị chi phối bởi quan điểm chính trị của người nghiên cứu, đó là tin rằng, cải cách chính trị ở Việt Nam là tất yếu. Việc quá chú trọng đến một viễn cảnh về những biến chuyển xã hội theo một chiều hướng định sẵn có thể là trở ngại cho việc tìm hiểu sâu về sự tiếp nối và tái sản sinh xã hội, trong khi cần hiểu thấu đáo về xã hội hiện thời trước khi có thể bàn đến vấn đề thay đổi xã hội. Thứ hai, nếu cứ tiên quyết gắn vấn đề giai cấp – tầng lớp với vai trò chính trị của nó, thì nhiều khi lại có tình trạng vì không thấy hay không dự báo được vai trò chính trị của các giai cấp nên phủ nhận là có tồn tại giai cấp. Đây là một trong những cách lập luận thường được sử dụng nhằm phủ nhận ý nghĩa của nghiên cứu về giai tầng trong xã hội học trên thế giới (xem nhận định của Chauvel 2006). Thứ ba, có thể việc quá tập trung vào mặt chính trị khiến cho những cách tiếp cận không đưa chính trị vào trung tâm - những cách tiếp cận khác Marxist, chưa được đưa vào xem xét và ứng dụng trong nghiên cứu giai tầng. Trong khi đó, rất nhiều nghiên cứu trên thế giới sử dụng các cách tiếp cận khác Marxist, như các cách tiếp cận của Weber, Goldthorpe hay Bourdieu, chỉ ra rằng bất bình đẳng có thể được phân tích và giải thích một cách sâu sắc, mà không nhất thiết phải nhìn nó chỉ với quan điểm Marxist là những đối chọi và xung đột trong quan hệ giai cấp về mặt sở hữu tư liệu sản xuất.
Ly H Chu (2016) Social class influences on life chances in post-reform Vietnam