'Trong nội bộ cộng đồng dân tộc, sự cảm nhận về bất công cũng được thể
hiện rất rõ trong các quan hệ xã hội khác nhau: thống trị - bị trị; giàu -
nghèo; sang - hèn... Xin nói ngay, các quan hệ này không được coi là bất công
tự bản thân chúng. Ðạo lý Nho giáo, Phật giáo và cả Ðạo giáo nữa ăn rất sâu vào
tâm thức người Việt, khiến người ta coi những quan hệ thứ bậc (hierarchique)
như một cái gì tự nhiên, do Trời định đoạt, do phúc đức cha ông, do đức độ cá
nhân tạo nên. Ở người Việt ngày trước, không hề có khái niệm “giai cấp” (do đó,
cũng không có khái niệm “đấu tranh giai cấp”) mà khái niệm chiếm ưu thế trong
các quan hệ xã hội là “hòa”, là “nhường”, là “nhẫn”. Thỉnh thoảng có nổi lên
những cuộc đấu tranh xã hội quyết liệt nhưng không phải là để xóa bỏ hệ thứ bậc
xã hội cũ mà là xóa bỏ những hiện tượng loạn cương, như xã hội học gọi tên. Có
vua là tự nhiên, người ta chỉ chống lại hôn quân (bạo chúa) và ủng hộ minh quân
(minh chúa). Có quan cai trị cũng là tự nhiên, người ta chỉ chống tham quan ô
lại và ưa thích những liêm quan, những vị quan trung nghĩa. Giàu nghèo cũng là
tự nhiên, người ta chỉ bài bác những ác bá, trọc phú và tán dương những người
giàu ân đức. Trong quan hệ gia đình cũng vậy, người ta không chống lại quyền uy
gia trưởng mà chỉ bài bác những người bố ác nghiệt với con cái, những anh em
bất nghĩa với nhau. Người ta tin vào “mệnh trời”, vào sự sáng suốt của trời
(“Trời có mắt”), vào “ác giả ác báo”, vào “luân hồi” như một sự điều chỉnh tự
nhiên... Một xã hội công bằng đối với người Việt xưa là vậy. Công bằng về đạo
lý hơn là về xã hội, về tính chính đáng (legitimité) hơn là về quyền lợi kinh
tế. Nó hướng tới một trạng thái “đại đồng” nhưng “tiểu dị”, tới một trật tự
được coi là tự nhiên, mà thật ra, đó là một trật tự noi theo những khuôn mẫu
(stéréotyes) lâu đời. Nói như thế, không phải là tuyệt đối không có xu hướng
bình quân trong ý thức xã hội. Những vết tích thị tộc nguyên thủy, những tác
động dòng họ thường là chỗ dựa khá bền vững cho xu hướng bình quân, nhất là ở
các làng xã. Nhưng xu hướng này chưa bao giờ là xu hướng chủ đạo và cũng chưa
bao giờ được “lý luận hóa”.'
Nguyễn Kiến Giang (1993) Suy nghĩ về công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay Link
No comments:
Post a Comment